Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Cập nhật vào 01/04

Bạn lo lắng khi lưỡi của con mình xuất hiện những mảng trắng? Bạn không biết con mình có thực sự bị tưa lưỡi hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết chính xác được tình trạng sức khỏe hiện tại của con từ đó có giải pháp xử lý kịp thời nhất.

Những thông tin bạn có thể tra cứu trong bài viết:

1. Làm sao để xác định chính xác trẻ đang bị tưa lưỡi?

Những người lần đầu làm mẹ có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện tưa lưỡi ở trẻ. Nguyên nhân là vì trong giai đoạn đầu, trẻ thường không có biểu hiện gì rõ rệt, khi kiểm tra khoang miệng chỉ thấy xuất hiện 1 vài đốm trắng nhỏ li ti nằm ở phần má trong và lưỡi. Việc này khiến cho nhiều mẹ thường nhầm lẫn đây là chấm sữa mẹ hoặc sữa bột còn sót lại trong khoang miệng trẻ.

Phần đa các bậc cha mẹ chỉ phát hiện con mình bị tưa lưỡi khi các dấu hiệu đã trở nên nặng hơn, thời gian sẽ là khoảng 4 – 5 ngày kể từ khi xuất hiện đốm trắng. Biểu hiện là trẻ quấy khóc, lười ăn, cha mẹ kiểm tra miệng trẻ sẽ thấy các mảng trắng hoặc hơi vàng xuất hiện dày hơn trong lưỡi.

Hình ảnh mô tả trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi
Hình ảnh mô tả trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi

Ban đầu các mảng trắng xuất hiện ở đầu lưỡi, sau đó lan rộng nhanh và bám chặt vào lưỡi, 2 má trong của trẻ, không thể lau sạch được bằng khăn. Các mảng trắng xuất hiện ở lưỡi khiến miệng trẻ vướng víu, mất vị giác, lúc cho bé bú mẹ, bú bình hay bú giả trẻ sẽ nhè ra hoặc khóc do miệng bị đau khi cọ xát.

Để ý kĩ hơn sẽ thấy miệng trẻ hôi, nước dãi chảy nhiều hơn so với bình thường. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, những mảng trắng đó bong ra, gây ra các vết loét gây nhiều đau đớn cho trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể xác nhận rõ hơn trẻ có bị tưa lưỡi hay không bằng cách kiểm tra ngực của mình. Nấm Candida gây tưa lưỡi ở trẻ có thể lây nhiễm sang vú mẹ khi bé ăn bú. Nếu mẹ thấy núm vú mình bị khô rát bất thường, có màu đỏ, nứt, ngứa, cũng có 1 vài trường hợp bong da phần đầu vú, vú bị đau như có kim chích vào khi cho trẻ bú thì rất có thể trẻ đang bị tưa lưỡi. Lúc này cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời cho cả mẹ và bé.

Ngoài tưa lưỡi, các bé sơ sình còn có khả năng mắc thêm một số các bệnh khác. Bạn có thể tham khảo thêm trong bài Trẻ dưới 1 tuổi thường gặp những vấn đề gì.

2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh?

Do nấm

Theo PGS TS bác sĩ Vũ Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, tưa lưỡi (tưa miệng) là triệu chứng thường thấy ở trẻ em dưới 1 tuổi đang trong giai đoạn bú sữa mẹ, bú bình hoặc ăn bột (dưới 12 tháng tuổi). Triệu chứng này thường do một loại nấm có tên Candida Albican gây nên. Trên thực tế thì nấm Candida khu trú sẵn trong cơ thể của con người và sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu được duy trì ở mức cân bằng. Trong 1 vài trường hợp khi sức khỏe yếu, hệ miễn dịch giảm thì nấm có điều kiện phát triển, sinh sôi gây bệnh.

Lý do trẻ sơ sinh thường bị nhiễm nấm cao là bởi cơ thể trẻ còn yếu ớt, hệ thống miễn dịch yếu, các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Những trường hợp sinh non (trước 37 tuần) có nguy cơ mắc tưa lưỡi nhiều hơn so với những trẻ sinh đủ tháng bởi khả năng kháng lại nhiễm trùng yếu hơn.

Nhiều mẹ bỉm sữa không biết rằng mình cũng có thể là nguyên nhân gây tưa lưỡi cho con. Phụ nữ trong thời gian mang thai bị viêm âm đạo do nấm Candida, không điều trị khỏi hoàn toàn sẽ lây bệnh sang cho trẻ khi sinh nở. Trong khi sinh, chất nhầy ở âm đạo tiết ra, trẻ khi đi qua ngõ âm đạo chào đời sẽ bị nhiễm nấm.

Do thiếu Vitamin

Vitamin B3 hay còn gọi là vitamin PP đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng cường sức đề kháng về hệ miễn dịch, chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ phòng chống các bệnh liên quan đến răng miệng bao gồm cả tưa lưỡi. Cơ thể của trẻ không tự tổng hợp được vitamin này mà phải thông qua sữa mẹ. Nếu mẹ không thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu Vitamin B3 như gạo lứt, lạc, vừng, rau đay, rau ngó… nguồn sữa không đủ dưỡng chất cần thiết thì cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tưa lưỡi.

Do sử dụng kháng sinh

Trẻ sơ sinh sử dụng kháng sinh để điều trị một số bệnh như tai, mũi, họng, viêm đường ruột, viêm phổi… hoặc mẹ sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian chuyển dạ, cho con bú cũng khiến trẻ có nguy cơ cao bị tưa lưỡi. Lý do bởi kháng sinh tiêu diệt nhiều vi khuẩn có lợi trong khoang miệng trẻ, các vi khuẩn có hại có điều kiện sinh sôi và phát triển gây tưa lưỡi ở trẻ.

3. Tưa lưỡi có nguy hiểm với trẻ sơ sinh không?

Trên thực tế tưa lưỡi không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ sơ sinh nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên khi gặp triệu chứng này trẻ sẽ hay cáu kỉnh, quấy khóc, biếng ăn, dễ sút cân. Trường hợp cha mẹ không vệ sinh miệng trẻ đúng cách, không đưa trẻ đến viện khám thì bệnh có thể lan tới phần niêm mạc họng và thanh quản.

4. Điều trị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Làm sạch tưa lưỡi như thế nào là đúng cách?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa nhi BV Bạch Mai khuyến cáo, các bà mẹ không nên ngày nào cũng dùng gạc, khăn xô đánh tưa lưỡi cho trẻ bởi có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi trẻ. Lý do bởi niêm mạc, lưỡi của trẻ sơ sinh mỏng, khi bạn cố gắng cạo phần trắng bên trong lưỡi của trẻ khiến lưỡi trẻ chảy máu, gây tổn thương niêm mạc lưỡi trẻ, khiến trẻ đau, quấy khóc hơn. Mặt khác nếu các dụng cụ lấy tưa lưỡi không được sạch có thể truyền thêm vi khuẩn vào miệng trẻ.

Bác sĩ cũng chỉ ra sai lầm thường thấy ở các mẹ trong khi chăm sóc trẻ đó là đánh tưa lưỡi mỗi ngày. Quan niệm lấy gạc thấm muối hoặc nước đánh tưa lưỡi có tác dụng phòng ngừa tưa lưỡi không đúng. Thực tế đánh tưa không phòng được bệnh, khi có nhiều tưa thì sẽ cần sử dụng thuốc bôi theo đơn của các bác sĩ để chữa trị. Ngoài ra quan niệm tưa “già” sẽ rụng và biến mất ở 1 số mẹ cũng không đúng, để tình trạng tưa lưỡi kéo dài gây đau đớn cho trẻ trong quá trình ăn uống.

Phương pháp an toàn và hiệu quả được bác sĩ khuyên dùng đó chính là sử dụng gạc y tế thấm nước muối sinh lý rồi xoa lên miệng trẻ. Nếu trẻ bị nhẹ thì chỉ sau 3 – 4 ngày là sẽ khỏi, tuy nhiên mẹ vẫn cần chú ý đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý nồng độ 0.9% 2 lần/ ngày vào buổi sáng và tối mặc dù trẻ đã hết triệu chứng. Mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ bú hoặc ăn, uống nước luôn sau khi chấm nước muối mà nên đợi khoảng 20 phút sau.

Trường hợp phần lưỡi của trẻ không được cải thiện sau khi vệ sinh bằng nước muối thì cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện có các chuyên khoa nhi để được điều trị, kê thuốc, giúp trẻ mau khỏi.

Cho trẻ bị tưa lưỡi ăn uống như thế nào?

Đối với trẻ sơ sinh đang trong thời gian ăn bú (dưới 6 tháng tuổi) thì mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhiều mẹ thường hay lấy nước ấm tráng miệng cho con sau khi uống nhưng các bác sĩ khuyên không nên cần thiết, bởi trong sữa mẹ có kháng sinh tự nhiên có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng trẻ.

Nếu trẻ ăn bột, ăn dặm bị bệnh tưa lưỡi thì mẹ cần chú ý nấu cho con ăn những món ăn mềm, lỏng để bé dễ nuốt, không bị đau rát. Thói quen nhiều mẹ hoặc các ông bà ở quê thường hay nhá và mớm cơm, bột cho con ăn, đây là điều không nên bởi những vi khuẩn từ miệng người lớn sẽ lây sang trẻ khiến tình trạng tưa lưỡi ở trẻ nặng hơn.

Cảnh báo: Hiểm họa khi chữa tưa lưỡi sai cách!

Sử dụng mật ong trị tưa lưỡi

Nhiều bà mẹ trẻ trong các group nuôi con, chăm con trên mạng xã hội thường mách nhỏ nhau kinh nghiệm trị tưa lưỡi ở trẻ bằng cách sử dụng mật ong. Phương pháp được chị em thực hiện đó là lấy mật ong tẩm vào khăn mềm rồi lau, chà nhẹ lên bề mặt của lưỡi để loại bỏ những đốm trắng, mảng trắng.

Bác sĩ Hà Thị Loan, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Trong mật ong có nhiều độc tố botulinum, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt. Nếu ngộ độc nặng có thể tử vong. Trẻ dưới một tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này, do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa bằng mật ong”.

Theo Báo điện tử VnExpress đưa tin vào ngày 6/10/2013: Chị Mai – mẹ bé Su Su 2 tháng tuổi (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đã phải đưa con nhập viện trong tình trạng co giật sau khi đánh tưa lưỡi bằng mật ong cho con. Các bác sĩ kết luận bé bị ngộ độc mật ong và rất may bé không gặp nguy hiểm. Trường hợp của bé Su Su may mắn hơn nhiều so với bé Nguyễn Văn Nam (Ứng Hòa, Hà Nội) bị liệt cơ do ngộ độc nặng bởi mẹ bé Nam thường xuyên đánh tưa lưỡi bằng mật ong cho con.

Việc sử dụng các mẹo dân gian, kinh nghiệm dân gian mà chưa được kiểm định và chứng minh thì có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Tâm lý của những chị em lần đầu làm mẹ thấy con mình bị bệnh vô cùng sốt sắng, gần như thấy ai mách cái gì cũng làm theo nên rất nguy hiểm.

Thận trọng với việc chữa tưa lưỡi bằng mật ong, rau ngót, lá hẹ, thuốc cam

Sử dụng thuốc cam điều trị tưa lưỡi

Ngoài việc truyền tai nhau về mẹo đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng mật ong thì nhiều bà mẹ cũng truyền tai nhau về phương pháp sử dụng thuốc cam. Do được nhiều người mách nên không ít mẹ cũng thử lấy thuốc cam pha loãng với nước đánh tưa lưỡi cho con mà không biết loại thuốc này có thể gây ngộ độc nguy hiểm.

Ngày 30/6/2017, Tại bệnh viện Nhi Trung Ương đã tiếp nhận bé Nguyễn Duy L (4 tháng tuổi, Hà Nội) với dấu hiệu đau bụng, nôn trớ, ho. Trước đó 4 ngày thì gia đình có tự ý mua thuốc cam ở chợ về đánh lưỡi cho bé L sau khi phát hiện bé bị tưa lưỡi. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi cho biết bé L đã bị ngộ độc chì nặng bởi thuốc cam.

Theo ThS.BS Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc bệnh viện Nhi, mặc dù có rất nhiều thông tin từ bộ Y tế cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chỉ cao khi sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhưng nhiều người do không hiểu biết, sử dụng theo phương pháp truyền miệng của người thân, bạn bè vì tin rằng thuốc này có thể giúp tăng cân và chữa được 1 số bệnh thông thường dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Trong thuốc cam có hàm lượng chì rất lớn, nếu trẻ ngộ độc chì gây ra tác hại về thần kinh và tiêu hóa. Về tiêu hóa, ngộ độc chì nặng khiến trẻ chán ăn, buồn nôn, đau bụng… Về thần kinh ngộ độc chì gây ra những biểu hiện trước mắt như ngủ lịm từng lúc, co giật, hôn mê, liệt. Các biểu hiện về lâu về dài nếu ngộ độc chì ở trẻ là: giảm khả năng nghe, nhận thức chậm…

Nhìn chung trước khi quyết định sử dụng loại thuốc nào, mẹo nào cho trẻ thì mẹ cần phải tìm hiểu thật kỹ xem biện pháp đó có an toàn hay không. Trừ những bài thuốc dân gian đã được các chuyên gia y tế kiểm định và chứng minh an toàn thì mẹ không nên sử dụng bừa bãi.

5. Làm thế nào để có thể phòng tránh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh?

Tưa lưỡi ở trẻ có thể phòng tránh nếu như cha mẹ chú ý thực hiện 1 số lưu ý sau:

  • Đầu tiên mẹ cần thường xuyên vệ sinh khoang miệng cho cho trẻ, cách phổ biến nhất được các bác sĩ khuyên dùng hiện nay đó là sử dụng nước muối pha loãng chấm vào lưỡi và miệng trẻ. Tốt nhất là mẹ nên mua nước muối sinh lý ở ngoài hiệu thuốc để đảm bảo vệ sinh. Nước muối sinh lý có tác dụng loại bỏ 1 số vi khuẩn có hại trong khoang miệng trẻ, phòng tránh được các bệnh liên quan đến lưỡi, họng…
  • Ở giai đoạn đang cho cho con bú, cả mẹ và con không nên sử dụng kháng sinh nếu không thực sự cần thiết. Trong trường hợp bác sĩ chỉ định phải sử dụng để điều trị bệnh thì bạn mới nên dùng theo liều lượng.
  • Các dụng cụ ăn uống cho trẻ như bình sữa, núm vú giả cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên để các vi khuẩn không xâm nhập vào sinh sôi và gây hại trong khoang miệng của trẻ gây tưa lưỡi. Sau khi cho bé bú bình hoặc sử dụng núm vú giả thì bạn cần tráng với nước sôi. Cứ khoảng 2 – 3 ngày là mẹ cần luộc bình sữa 1 lần để tiệt trùng. Trước khi cho trẻ bú thì mẹ cũng cần lấy khăn ướt lau sạch đầu vú.
  • Sau khi thay tã cho con thì người nhà cần rửa sạch tay sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn bởi các vi khuẩn nấm có thể thoát ra khi trẻ đi vệ sinh.
  • Một thói quen mà nhiều người lớn cho rằng đó là thể hiện tình yêu thường đối với trẻ là hôn má, hôn môi nhưng vô tình lại có thể lây nhiễm bệnh cho trẻ. Những người lớn như ông, bà, cô, dì, bố, mẹ… nếu đang bị các bệnh về miệng, khi hôn trẻ vi khuẩn lây sang bé. Trẻ sơ sinh sức đề kháng, hệ miễn dịch còn tương đối yếu nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công, sinh sôi trong khoang miệng dẫn đến tưa lưỡi và các bệnh về miệng khác.

Tóm lại: Việc điều trị tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh cần khoa học, theo đơn thuốc của bác sĩ chứ bố mẹ, người thân không nên tự ý sử dụng những bài thuốc dân gian, mẹo chưa được kiểm chứng.

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.