Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Cập nhật vào 16/01

Để xây dựng thực đơn ăn dặm đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé, mẹ cần chú ý liều lượng ăn và các nhóm thực phẩm cần thiết cho bé 7 tháng như: nhóm đường bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo….

1. Ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống

Ăn dặm là giai đoạn bé được làm quen và bổ sung thêm các dưỡng chất từ những nguồn thực phẩm khác không phải là sữa mẹ hay sữa công thức. Bé từ 6 tháng tuổi nên được mẹ bắt đầu cho ăn dặm.

Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm điển hình, thường được các mẹ áp dụng: phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), ăn dặm kiểu phương Tây (BLW) và ăn dặm kiểu truyền thống (ADTT). Mặc dù phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống không còn phổ biến nhưng cũng không thể phủ nhận được sự hiệu quả của phương pháp ăn dặm này.

Sau đây là những ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống mà mẹ nên biết:

  • Đảm bảo cho bé những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ cả 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
  • Tuân thủ phương pháp ăn dặm theo các giai đoạn sẽ tạo thói quen tốt về ăn uống cho bé, tránh trường hợp bé biếng ăn và dạ dày phải làm việc quá sức từ sớm.
  • Việc chế biến của mẹ cũng không mất quá nhiều thời gian, cực kỳ nhanh chóng, tiện lợi.

Thời điểm bé đã được 7 tháng tuổi, mẹ nên lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho bé. Nếu mẹ quá bận rộn và không có thời gian lên thực đơn ăn dặm kiểu chỉ huy hay kiểu Nhật thì phương pháp ăn dặm truyền thống là một sự lựa chọn thích hợp trong trường hợp này. Ngoài ra, phương pháp ăn dặm truyền thống cũng đảm bảo được lượng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, giúp trẻ làm quen được với nhiều loại thức ăn cùng một lúc.

2. Dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 7 tháng tuổi

So với những năm tháng đầu đời khi thức ăn chỉ là sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức), trẻ đến giai đoạn 7 tháng tuổi sẽ bắt đầu chuyển sang một giai đoạn ăn hoàn toàn mới là ăn các dạng bột. Theo đó, các bữa ăn dặm cần có đầy đủ các thành phần cần thiết cho bé (chất đường bột, chất đạm, chất béo và hoa quả). Trong quá trình ăn dặm, bé sẽ được tiếp xúc dần với thực phẩm, hệ đường ruột của bé phát triển hơn, tránh nguy cơ dị ứng thức ăn về sau.

Ngoài những thực phẩm cần thiết trên, mẹ cũng nên chú ý cung cấp thêm các loại vitamin và dưỡng chất cần thiết cho trẻ như:

Sắt

Sắt là nguyên liệu chủ yếu để tạo ra các tế bào máu. Nguồn sắt dễ dàng hấp thụ nhất đến từ ​​thịt đỏ và các loại rau có lá màu xanh đậm, họ đậu, ngũ cốc. Ngoài ra, khi cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm chứa vitamin C, sự hấp thu sắt sẽ được cải thiện đáng kể.

Kẽm

Trẻ nhỏ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn khi thiếu chất kẽm. Kẽm được tìm thấy trong thịt bò, thịt cừu, gà tây, tôm, bí ngô, hạt vừng, đậu lăng, măng tây và sữa chua.

Vitamin C

Nếu thiếu vitamin C, trẻ sẽ dễ bị nhiễm trùng, thường bị lở loét trong niêm mạc miệng… Nguồn vitamin C rất dồi dào trong nhiều loại trái cây và rau quả và đặc biệt là nhiều dâu tây, dưa đỏ, cam quýt, đu đủ, kiwi, xoài, bông cải xanh… Vì vậy, mẹ hãy chú ý bổ sung đầy đủ vitamin C cho bé nhé!

Vitamin A

Vitamin A rất tốt cho đôi mắt của trẻ, nó giúp tránh mờ mắt, khô mắt, quáng gà… Mẹ có thể lấy nguồn vitamin A từ các thực phẩm: khoai lang, cà rốt và các loại trái cây, rau quả màu cam, đỏ, các loại rau lá xanh đậm, sữa nguyên chất, cá, thịt bò và thịt cừu.

Vitamin D

Hệ xương của trẻ phát triển vượt bậc trong giai đoạn bắt đầu biết ngồi, đi đứng. Theo đó, nhu cầu vitamin D là rất lớn. Bên cạnh việc thường xuyên cho trẻ tắm nắng, hoạt động thể lực ngoài trời, mẹ cũng cần chú ý bổ sung thêm vitamin D trong bữa ăn thông qua cá hồi, cá mòi, cá ngừ, ngũ cốc nguyên hạt, sữa bò, sữa chua và một số sản phẩm từ sữa khác.

Omega-3

Omega-3 rất tốt cho trí não của trẻ 7 tháng tuổi. Vì thế, mẹ cần cho bé ăn tập trung vào các loại thực phẩm như cá da trơn, cá biển và các loại tảo biển hay các loại hạt khô như quả óc chó, hạt chia và hạt lanh bằng cách xay nhuyễn cho vào bột, cháo.

3. Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 7 tháng

Trẻ 7 tháng ăn dặm như thế nào?

Ở giai đoạn 7 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, vì thế thay vì cho trẻ ăn cháo xay nhuyễn hoặc toàn bột, các mẹ cần điều chỉnh độ thô của thức ăn để tập cho con phản xạ nhai. Với trẻ ở giai đoạn 7 tháng tuổi này bạn có thể cho trẻ ăn ngày 3 bữa và đan xen thêm đồ ăn phụ vào. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên mẹ vẫn cần duy trì cho bé khoảng 700ml- 900ml mỗi ngày.

Để tìm hiểu kỹ hơn, mẹ hãy tham khảo bài viết: Trẻ 7 tháng ăn dặm như thế nào là đúng cách?

Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 7 tháng

Cháo thịt bò

Cháo thịt bò
Cháo thịt bò

Nguyên liệu: Thịt bò cắt miếng nhỏ, cháo trắng ớt chuông xanh, đỏ cắt nhỏ, ngô bao tử, ¼ củ hành tây, dầu oliu, phô mai, nấm rơm.

Chế biến:

  • Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng.
  • Ớt chuông, hành tây, ngô, nấm rơm rửa sạch thái nhỏ.
  • Bật lửa vừa, cho dầu oliu vào nồi, cho thịt bò vào đảo đều. Sao đó cho ngô bao tử, ớt chuông, nấm rơm và hành tây đảo đều, xào chín.
  • Cho cháo lên bếp đun sôi, cho thêm hỗn hợp đã xào vào đảo đều. Tắt bếp cho thêm phomai vào cháo.
  • Đem cháo xay nhuyễn sau đó cho vào bát

Cháo sườn rau củ

Cháo sườn rau củ
Cháo sườn rau củ

Nguyên liệu: 25gr gạo tẻ,  5 miếng sườn non, ngô, cà rốt, đậu hà lan, 1 muỗng dầu ăn.

Chế biến:

  • Sườn non mẹ rửa sạch cho vào nồi hầm cho nhừ. Sau khi sườn chín nhừ, mẹ gỡ lấy thịt nạc đem xay nhuyễn.
  • Rau củ hấp chín rồi xay nhuyễn.
  • Bột gạo hòa cùng nước cho lên bếp nấu cho sôi.
  • Thêm thịt sườn mới xay vào nồi cháo, thêm rau củ xay vào nấu khoảng 2 phút tắt bếp.
  • Cho thêm 1 muỗng dầu ăn quấy đều.

Khoai tây nghiền với gan gà

Khoai tây nghiền với gan gà
Khoai tây nghiền với gan gà

Nguyên liệu: Khoai tây, gan gà, rau bina (cải bó xôi), nước luộc gà, nước tương, bột gạo.

Chế biến:

  • Khoai tây rửa sạch, luộc chín, bóc vỏ, nghiền nhuyễn
  • Gan gà ngâm nước khoảng 10 phút, rồi luộc trong nước sôi khoảng 1 phút.
  • Rau bina rửa sạch, luộc chín, sắt nhuyễn,.
  • Lấy nước luộc gà vừa đủ, cho gan gà và ít nước tương vào, đun sôi trở lại, cho thêm ít bột gạo để tạo độ sánh. Cuối cùng cho khoai tây và rau bina vào.
  • Tắt bếp, thêm ít dầu ăn.

Cá ngừ trộn

Cá ngừ trộn
Cá ngừ trộn

Món này rất dễ làm nên mẹ có thể áp dụng vào những lúc không có thời gian chuẩn bị.

Nguyên liệu: đậu hũ non, cà chua, cá ngừ hộp

Chế biến:

  • Cá ngừ: bỏ bớt nước, đánh tơi
  • Đậu hũ non: luộc sơ, nghiền nhuyễn
  • Cà chua: trụng nước sôi, bóc vỏ, bỏ hạt, nghiền hoặc băm nhỏ
  • Trộn đều tất cả các nguyên liệu

Trứng hấp

Trứng hấp
Trứng hấp

Nguyên liệu: bí ngòi, khoai tây, trứng

Chế biến:

  • Bí ngòi, khoai tây: rửa sạch, luộc chín,bóc vỏ
  • Trứng: lấy lòng đỏ
  • Cho tất cả vào máy, xay mịn, sau đó đổ ra bát đem đi hấp cách thủy khoảng 10 phút.

Lưu ý: Khi hấp các mẹ nhớ lót một lớp khăn bên dưới để khi nước sôi thì bát thức ăn không bị đổ, lật hay kêu. Có thể thay bí ngòi bằng cà rốt hoặc các loại rau khác.

Bơ nghiền

Bơ nghiền
Bơ nghiền

Nguyên liệu: bơ, sữa mẹ hoặc sữa công thức

Chế biến:

  • Nạo phần thịt của quả bơ, trộn chung với sữa, nghiễn nhuyễn hoặc xay mịn hỗn hợp.
  • Đối với món ăn này, mẹ nên lưu ý cho bé ăn vừa phải, vì bơ có thể gây đầy hơi và khiến bé bị khó tiêu.

Ngoài ra,mẹ cũng nên cho bé ăn nhẹ bằng các loại rau, củ, quả luộc mềm hoặc sinh tố trái cây.

Bột tôm khoai mỡ

Bột tôm khoai mỡ
Bột tôm khoai mỡ

Nguyên liệu: 25gr bột gạo tẻ, 5 con tôm, 25gr khoai mỡ, 1 muỗng dầu ăn.

Chế biến:

  • Tôm làm sạch bằm nhuyễn. Khoai mỡ hấp chín xay nhuyễn.
  • Cho bột vào nước khuấy đều rồi cho lên bếp đun. Thêm tôm vào đảo đều tay, tiếp đến là khoai mỡ. Nấu đến khi bột chín thì cho vào bát đợi nguội cho bé ăn.

4. Lưu ý khi cho bé ăn dặm bằng phương pháp truyền thống

  • Vẫn duy trì việc bú sữa mẹ khi cho bé ăn dặm.
  • Không nêm cho gia vị vào thức ăn để bảo vệ thận của bé.
  • Nấu cháo theo tỉ lệ 1:7, tức là cứ 10g gạo thì cần nấu với 70ml nước.
  • Kết hợp cháo với các loại thịt, cá, rau, củ…để đa dạng bữa ăn làm phong phú khẩu vị của bé.
  • Mẹ đừng quên nhóm chất béo khi chế biến món ăn cho bé.
  • Thay đổi cách chế biến và thực đơn để tránh gây sự nhàm chán cho bé.
  • Nếu mẹ không thể cho bé bú sữa mẹ thì nên bổ sung thêm sữa ngoài cho bé.

5. Bé kém hấp thu chất dinh dưỡng khi ăn dặm phải làm sao?

Nhiều mẹ rất lo lắng khi trẻ bắt đầu bước vào quá trình ăn dặm nên chưa quen, dẫn đến ăn kém, không hấp thu được chất dinh dưỡng hay ăn nhiều nhưng vẫn gầy… Sau đây là một số cách để cải thiện tình trạng này:

  • Điều chỉnh lại thực đơn ăn dặm: Trẻ hấp thu dinh dưỡng kém hoặc kén ăn có thể là do thực đơn ăn dặm của mẹ chưa đa dạng hoặc còn bổ sung chưa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
  • Hạn chế ăn vặt: Ăn vặt quá nhiều hoặc ăn vặt trước mỗi bữa ăn có thể khiến bé no và không muốn ăn những bữa ăn chính. Vì vậy mà mẹ nên hạn chế cho bé ăn vặt trước mỗi bữa ăn nhé!
  • Bổ sung dinh dưỡng từ sữa mỗi ngày: Nhiều mẹ tưởng rằng khi cho bé ăn dặm thì chỉ cần ăn thức ăn là đủ nên đã bỏ hẳn thói quen uống sữa thường xuyên cho bé. Do đó, lượng sữa bé hấp thụ không đủ, dẫn đến bé không phát triển như mong muốn.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng: Ngoài việc có chế độ ăn uống hợp lý và quan tâm đến việc sử dụng loại sữa nào cho bé tăng cân, mẹ cũng có thể bổ sung thêm men vi sinh từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho bé. Đồng thời cũng nên cho bé tích cực vận động vì điều này rất tốt cho cơ thể và hệ tiêu hóa của bé.

Để cho bé ăn đúng cách và tuân theo đúng thực đơn, mẹ tuyệt đối không nên ép bé ăn trong quá trình ăn dặm nhé! Vì bé sẽ cảm thấy khó chịu, không muốn ăn hoặc thậm chí là nôn ói đấy!

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.